Tứ trụ văn học hiện đại Mỹ
Hi Hi
Th 2 23/12/2019
4 phút đọc
Đàn ông dù ở độ tuổi nào thì cũng nên trang bị cho mình vốn liếng về sách. Sách phản ánh tầm nhìn của người đọc, là thế giới quan, là cá tính của họ. Nếu bạn là một “mọt sách” thì không thể bỏ lỡ Tứ Trụ Văn Học Hiện Đại của Mỹ, 4 cuốn này không chỉ là tấm gương soi chiếu một thời huy hoàng của văn chương thế giới, mà còn mang đến những bài học nhân sinh sâu sắc.
Cùng xem qua 4 cuốn sách đó là 4 quyển nào nhé:
- To Kill a Mockingbird – Harper Lee (Giết con chim nhại)
Quyển sách kinh điển này liên tục nắm giữ ngôi vương “must-read” trên các bảng xếp hạng sách hay thế giới. Quyển sách là thế giới đầy rẫy bất công qua mắt nhìn của trẻ thơ, là cách một người cha đấu tranh vì lẽ phải, nhưng lại chịu thua trước định kiến xã hội. Từng trang sách của Giết Con Chim Nhại chứa đựng nhiều hơn những câu hỏi ngô nghê, đó là bài học làm một người tử tế, dám đấu tranh vì cái đúng. Nước Mỹ năm 1930, miền Nam, nơi nạn phân biệt chủng tộc gay gắt hơn bao giờ hết. Tuy lấy chủ đề không quá mới, nhưng câu chuyện mà Harper Lee viết nên lại thành áng văn chương hay nhất của biết bao thế hệ.
- Catcher in the Rye – J.D Salinger (Bắt trẻ đồng xanh)
Nếu Giết Con Chim Nhại mượn góc nhìn của trẻ thơ thì Bắt Trẻ Đồng Xanh lại tập trung khắc họa nhân vật thời thiếu niên – Holden Caulfield - một anh chàng hội tụ đủ những nổi loạn, bồng bột, ngông cuồng tuổi 17. Khi ra mắt công chúng năm 1951, quyển sách gây tranh cãi vô cùng và thậm chí có thời gian cấm xuất bản, tuy nhiên, sau đó lại được công chúng đón nhận và đưa vào trường học vì giá trị xã hội mà nó mang đến. Tuy ghét cay ghét đắng những định kiến lọc lừa, những điều “bộ tịch” hay những phép ứng xử đạo đức giả, Holden còn là một cậu thiếu niên thích đọc sách, dành tình yêu vô bờ với em gái và rất tôn trọng phụ nữ. Ta không chỉ có cái nhìn bao quát nhất về xã hội Mỹ những năm 50s mà còn cảm thấy bản thân mình như một phần của Holden Caulfield.
- The Great Gatsby – F. Scott Fitzgerald (Gatsby Vĩ đại)
Giấc mơ Mỹ được minh họa rõ nét nhất trong cuốn sách trứ danh của Fitzgerald. Không chỉ về những ảo tưởng danh vọng, tiền tài mà còn là tình yêu, tình bạn và sự tan vỡ. Từ anh chàng nghèo khó, chỉ vì để giành lại tình yêu mà cố gắng bất chấp vươn lên trở thành một chàng đại gia, mở những buổi tiệc xa hoa chỉ mong có được sự chú ý của người thương. Cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn học thế giới khắc họa xuất sắc những tuyến nhân vật từ chính tới phụ, tình tiết truyện đưa người đọc qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc để rồi bất ngờ vì đoạn kết ám ảnh. Gatsby Vĩ Đại xứng đáng trở thành một trong tứ trụ của văn học hiện đại Mỹ, một phần đặc sắc của “the Lost Generation”
- On the Road – Jack Kerouac (Trên Đường)
Là chuyến đi của tuổi trẻ, là sự nổi loạn trong tâm trí những kẻ thích phiêu bạt, khi niềm vui thú duy nhất nằm trên cuộc hành trình vô tận, đó chính là nội dung cơ bản nhất mà quyển Trên Đường muốn mang đến. Những nhân vật của Jack Kerouac đại diện cho cả một thế hệ lúc bấy giờ, phẫn uất trước chính trị, chán ghét cuộc sống tầm thường và chỉ thỏa mãn khi rong ruổi trên đường. On the Road là tập hợp những câu từ chuẩn mực ngẫu hứng, trọn vẹn suy tư của tác giả. Tuy có vẻ nhàm chán, khó đọc, nhưng một khi đã thấm thì độc giả sẽ cảm được hết sự sâu sắc của tác phẩm, và hiểu được vì sao đây là một “trụ” quan trọng trong văn học của không chỉ văn học Mỹ mà còn là văn học thế giới.